( Christian Dior Việt Nam ) Những gì mà chúng ta đã, đang và sẽ chiêm ngưỡng trong tương lai gần, sẽ luôn là những diện mạo mới của Dior. Christian Dior – hay còn được biết đến với cái tên ngắn gọn "Dior" – là một trong những thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới do người Pháp xây dựng. Dior chuyên sản xuất thời trang may sẵn, đồ da, phụ kiện, giày dép, trang sức, đồng hồ, nước hoa và mỹ phẩm. Nhưng những sản phẩm đưa tên tuổi của Dior lên nhóm đứng đầu của ngành công nghiệp thời trang chính là những tác phẩm thời trang may đo cao cấp Haute couture dành cho những ngôi sao và yếu nhân giàu có nhất thế giới.
Tuy các tài liệu chính thức của công ty này tuyên bố rằng họ thành lập năm 1947, nhưng thực sự nhà mốt Dior được thành lập ngày 16/12/1946 tại địa chỉ số 30 đại lộ Montaigne – một trong những đại lộ tập trung nhiều nhất các cửa hàng thời trang của Paris từ thế kỷ 20 cho đến tận ngày nay. Người sáng lập là nhà thiết kế (NTK) Christian Dior, nhưng được đầu tư tài chính bởi doanh nhân Marcel Boussac nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong ngành công nghiệp dệt may. Nhà mốt đã được đầu tư với 6 triệu Franc và có 80 nhân công làm việc vào thời kỳ khởi nghiệp. Tuy rằng doanh nhân Marcel Boussac ngày đó nổi tiếng là một người thích nắm quyền chỉ đạo, nhưng chính tài năng sáng tạo của Christian Dior đã thuyết phục được vị doanh nhân khó tính này để cho Dior nắm quyền điều hành nhà mốt, không chỉ có được mức thù lao cao ngất ngưởng mà còn được chia tới 1/3 lợi nhuận trước thuế.
Christian Dior Việt Nam | Christian Dior VietNam
Trong suốt hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, đế chế của Dior đã được gây dựng và chỉ huy bởi 7 đời giám đốc sáng tạo, người đầu tiên chính là Christian Dior. Đến năm 1957, người kế nhiệm Dior chính là NTK lừng danh Yves Saint-Laurent. Chỉ sau đó 3 năm, đến năm 1960, người lèo lái các thiết kế cho Dior là cái tên Marc Bohan. Người tiếp theo là Gianfranco Ferré chịu trách nhiệm từ năm 1989 đến năm 1997. Cái tên đình đám tiếp theo là John Galliano (1997 – 2011) và Bill Gaytten (2011-2012). Từ 2012 đến nay, NTK chính của Dior là Raf Simons.
Sự kiện đánh dấu thành công đầu tiên của thương hiệu Dior là ngày 12/2/1947, NTK Dior giới thiệu bộ sưu tập (BST) đầu tiên cho mùa Xuân-Hè 1947. Toàn bộ BST gồm 90 mẫu thiết kế, lần lượt được trưng bày trên 6 mannequin đặt tại cửa hàng chính ở địa chỉ số 30 đại lộ Montaigne. Ban đầu, BST được chia ra làm hai nhóm, với tên gọi là “Corrolle” và “Huit”. Tuy nhiên, sau này, toàn bộ cả 2 nhóm được gọi chung là BST “Diện mạo mới” (New Look) sau khi tổng biên tập tạp chí Harper's Bazaar đã nhận xét “Đây quả là một diện mạo mới!”. Các kiểu dáng của các thiết kế chủ yếu là những đường thắt eo rất nhỏ, váy dài qua bắp chân để làm tôn lên đường cong nảy nở của nữ giới. Điều khiến cho những thiết kế của Dior gây chú ý, đó là thời kỳ này, do sự khó khăn của chiến tranh, việc sử dụng vải vóc tiết kiệm được khuyến khích hơn, nhưng mỗi bộ đầm của ông lại may tốn đến hơn mười mấy mét vải, tất cả đều là vải dệt thượng hạng. Chính sự xa hoa này khiến cho BST Diện Mạo Mới trở nên cực kỳ thịnh hành trong giới quý tộc, với các đơn đặt hàng từ tận Hollywood, khách hàng khắp nước Mỹ và cả từ giới quý tộc châu Âu. Thiết kế váy dài của Dior còn gây ảnh hưởng đến các NTK khác trong cả thập niên sau đó. Chính nhờ sự nổi tiếng của Dior mà Paris mới lấy lại được vị thế là “kinh đô thời trang thế giới” sau khi đã bị thất thế từ Thế Chiến II. Những thiết kế từ BST Diện Mạo Mới cũng được chào đón nồng nhiệt ở các nước Tây Âu, được coi như một làn gió mới giúp xua đi không khí ảm đạm của lối sống thắt lưng buộc bụng thời hậu chiến, đặc biệt là sự đối chọi với những bộ đồng phục thiếu nữ tính. Một trong những người hâm mộ Dior thời kỳ này trong giới quý tộc, phải kể đến công nương Margaret của Vương quốc Anh.
Dior bắt đầu vươn rộng tầm ảnh hưởng của mình ra khỏi biên giới nước Pháp vào cuối năm 1949, khi chính thức mở cửa hàng đại lý tại New York. Đến cuối năm đó, tổng sản phẩm xuất khẩu của Dior chiếm tới 75% sản lượng xuất khẩu thời trang của Paris, và chiếm 5% giá trị hàng xuất khẩu của cả nước Pháp.
Đến giữa thập niên 50, nhà mốt Dior được coi là đã gây dựng được một đế chế thời trang quyền lực và vững mạnh. Năm 1954, để vinh danh công nương Margaret và nữ công tước vùng Marlborough, Dior đã tổ chức một buổi trình diễn thời trang ở cung điện Blenheim. Trong thời gian từ năm 1954 đến 1957, Dior tiếp tục tung ra nhiều dòng sản phẩm thời trang khá thành công, tuy nhiên không còn tạo được dấu ấn có thể vượt qua cái bóng của BST Diện Mạo Mới. Kỷ nguyên vàng của thương hiệu này dưới bàn tay của Christian Dior cũng kết thúc vào năm 1957, khi ông vừa kịp xuất hiện trên trang bìa tạp chí TIME ngày 4/3/1957 thì chẳng bao lâu sau đã qua đời sau một cơn đau tim. Christian Dior đã đi vào lịch sử như một tượng đài bất diệt về gu thẩm mỹ và sự xa xỉ trong thời trang.
Sự ra đi bất ngờ của Christian Dior đã khiến cho nhà mốt này chao đảo, đến mức tổng giám đốc Jacques Rouët còn dự định sẽ đóng cửa công ty. Tuy nhiên, không chỉ nội bộ nhà mốt mà đến toàn bộ ngành công nghiệp thời trang Pháp đều phản đối việc này, bởi vị trí của Dior quan trọng tới mức có thể ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính của cả ngành thời trang Pháp. Trong quyết tâm vực lại thương hiệu, cuối cùng giám đốc Rouët cũng chỉ định nhân tài là Yves Saint-Laurent, lúc đó mới 21 tuổi, đảm nhận vị trí Giám đốc sáng tạo. Trước đó 2 năm, khi mới 19 tuổi, Laurent đã làm việc ở nhà mốt này và sớm đã được Dior nhận định là người có tiềm năng, chưa tròn 20 tuổi đã được nhận vị trí Trợ lý trưởng của Dior. Sau khi kế nhiệm Dior, Laurent đã nhanh chóng chứng tỏ được tài hoa của mình với BST đầu tiên ra mắt năm 1958. Các mẫu quần áo đều được thực hiện rất tỉ mỉ, có tỷ lệ hoàn hảo giống hệt với các sản phẩm của Dior, cùng được may trên những chất vải cao cấp, tinh tế nhất, nhưng có riêng dấu ấn của NTK trẻ tuổi với đường nét cắt cúp mềm mại hơn, nhẹ nhàng hơn và dễ mặc hơn. Nhờ thành công bước đầu ấy, Laurent đã được coi như anh hùng dân tộc nhờ có công cứu sống cả một đế chế thời trang. Đến năm 1960, Laurent tiếp tục giới thiệu BST gây sốt với những thiết kế táo bạo hơn mang tên “Diện mạo của Nhịp điệu” lấy cảm hứng từ chủ nghĩa hiện sinh tại các quán cà phê và câu lạc bộ nhạc Jazz vùng Saint-Germain. Nhưng lúc này, những thiết kế mang cảm hứng bohemian của Laurent lại bị chỉ trích nặng nề, cùng lúc ấy, ông lại bị gọi đi nhập ngũ. Vậy là Laurent đã phải rời nhà mốt Dior chỉ sau khi mới cống hiến được tổng cộng 6 BST thời trang.
Christian Dior Việt Nam | Christian Dior VietNam
Người thay thế Laurent là Marc Bohan. Bohan được nhà mốt tín nhiệm chính bởi quan điểm phong cách bảo thủ của mình trong các thiết kế, bởi ông được cho là giúp các thiết kế giữ được nét cao cấp, thanh lịch. Lần này, đến lượt Bohan được ca ngợi là người đã giải thoát Dior khỏi cơn khủng hoảng. Quả thực, sự thành công của Bohan được công nhận bởi nhiều nhân vật có máu mặt trong xã hội. Điển hình như nữ diễn viên Elizabeth Taylor đã đặt mua đến tận 12 mẫu váy của Dior trong BST Xuân Hè năm 1961 do Bohan thiết kế. Trên đà thành công, Bohan đã giúp Dior mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường. Năm 1967, trợ lý của Bohan là Philippe Guibourgé đã giới thiệu BST đồ thời trang ứng dụng đầu tiên mang tên “Miss Dior”. Cũng năm đó, nhánh hàng đồ cho trẻ em mang tên “Baby Dior” do Bohan thiết kế đã mở cửa hàng đầu tiên ở địa chỉ số 28 đại lộ Montaigne. Năm 1968, dòng thời trang đồ len của Christian Dior được cho ra mắt.
Đến năm 1970, Bohan chính thức giới thiệu dòng quần áo cho nam mang tên Christian Dior Homme. Tiếp đó, các BST thời trang lông thú may sẵn của Christian Dior được sáng tạo ở Pháp năm 1973, và được sản xuất tại Mỹ, Canada và Nhật Bản. Bên cạnh đó, các mẫu áo váy may đo cao cấp haute-couture của Dior liên tục được xuất hiện ở những dòng họ hoàng gia cao quý nhất, được mặc bởi công chúa Monaco, Đệ nhất Phu nhân của Nicaragua Hope Portocarrero, công chúa Alexandria vùng Yugoslavia, và đặc biệt nhất là quận chúa Pamela Hicks cũng đã mặc một thiết kế của Dior để tới dự đám cưới giữa thái tử Charles và công nương Diana.
Sau Marc Bohan, nhà mốt Dior trải qua một đời Giám đốc sáng tạo nữa là Gianfranco Ferré, trước khi NTK người Anh là John Galliano được chỉ định nhờ mối quan hệ với Anna Wintour – Tổng biên tập tạp chí Vogue. Tuy để một người "ngoại tộc" đảm nhiệm, nhưng chủ tịch của Dior lại khẳng định rằng "Galliano có tài sáng tạo rất tương đồng với Christian Dior quá cố, có khả năng kết hợp tài tình các yếu tố lãng mạn, nữ tính và hiện đại, giống như Dior; tất cả những thiết kế của John, từ vest đến váy đầm đều có những nét giống với phong cách của Dior". Tuy nhiên, John Galliano lại là NTK đem lại nhiều tai tiếng và rắc rối nhất cho Dior. Đỉnh điểm là tháng 2/2011, John Galliano đã có những phát ngôn ủng hộ Hitler và miệt thị người Do Thái, khiến cho Dior đối mặt với khủng hoảng truyền thông. Galliano đã bị sa thải vào tháng 3 năm đó, và ngày 4/3, Dior vẫn phải cho ra mắt BST Thu Đông 2011-2012 mà không có sự xuất hiện kết màn của NTK chính.
Sau sự cố này, Dior đã chỉ định cấp dưới của Galliano là Bill Gaytten làm NTK chính. Do còn bỡ ngỡ, BST may đo cao cấp đầu tiên của Gaytten cho mùa Thu Đông 2011 đã nhận được những phản hồi tiêu cực. Tuy nhiên, Dior vẫn kiên trì chèo chống với việc kinh doanh và thiết kế của mình, quyết tâm thay đổi khỏi những tư duy thiết kế mang tính kịch nghệ và có phần hào nhoáng của Galliano.
Sự quyết tâm và kiên trì đã đem lại kết quả tốt. Đến ngày 21/1/2012, BST may đo cao cấp thứ 2 của Gaytten cho mùa Xuân Hè 2012 đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Những thiết kế của Gaytten được cho là đáng yêu một cách hoàn hảo, và doanh số của Dior cũng được cải thiện một cách đầy phấn khởi. Không chỉ bản thân buổi trình diễn đem đến những ấn tượng thị giác tốt về mặt sân khấu, ý tưởng, mà các thiết kế trang phục cũng có sức thuyết phục cao. Từ mẫu áo khoác bó eo nổi tiếng của Dior quá cố bằng chất liệu da cá sấu màu đen sang trọng, đến những chiếc váy nhẹ nhàng bồng bềnh như lông chim. Một mẫu váy dài còn được in nguyên một câu châm ngôn của Christian Dior, định nghĩa sự “thanh lịch” là sự kết hợp của nét tự nhiên và đơn giản.
Những người yêu thích dấu ấn trước đó của Galliano trên các thiết kế của Dior sẽ cảm thấy rằng đây là một BST quá cẩn trọng, thiên về chi tiết và sự tỉ mỉ, ngăn nắp mà thiếu đi những cung bậc cảm xúc kịch tính, mang lại một cảm giác hời hợt về cá tính. Nhưng đa phần giới chuyên môn đều đánh giá Gaytten là NTK tốt nhất có thể thay thế John Galliano, biết cách thể hiện những chi tiết đặc trưng của thương hiệu Dior như họa tiết houndstooth được tạo bởi cách đính cườm, phần cúp ngực đính kim sa v.v...
Christian Dior Việt Nam | Christian Dior VietNam
Đến ngày 11/4/2012, người được chọn vào vị trí Giám đốc sáng tạo chính thức cho Dior lại là môt NTK người Bỉ có tên Raf Simons. Simons nổi tiếng với những thiết kế mang phong cách tối giản, chính vì vậy, lựa chọn ông vào ghế Giám đốc sáng tạo cũng có nghĩa rằng Dior muốn hướng tới một phong cách trái ngược hoàn toàn với những dấu ấn của Galliano. Ban giám đốc tiếp tục tung ra những lời ca ngợi so sánh tài năng của Simons với Dior quá cố, mặc dù sự thực là Simons chưa từng chính thức thiết kế đồ may đo cao cấp bao giờ.
BST đồ may đo cao cấp đầu tiên của Simons dưới trướng Dior là vào mùa mốt Thu Đông 2012, với buổi trình diễn ngày 2/7. Được coi là điểm nhấn chính của mùa Haute couture Thu Đông 2012, BST này được công ty lăng xê là “dòng may đo cao cấp kiểu mới” - “gạt bỏ mọi quan niệm cũ về Haute couture và xây dựng lại từ đầu”.
Đến tận bây giờ, buổi trình diễn ra mắt của Simons vẫn được nhiều người yêu thời trang nhắc lại một cách sống động. Thay vì tổ chức ở những trung tâm biểu diễn thường thấy, buổi trình diễn này được tổ chức tại một dinh thực cá nhân, mỗi căn phòng trong ngôi nhà được đính một loại hoa riêng kín hết tường và trần. Khách mời lần lượt được bước qua một biển hoa lan trắng, rồi đến hoa phi yến màu xanh dương, càng bị choáng ngợp bởi kiến trúc ấn tượng của ngôi nhà. NTK Simons đã trả lời duyên dáng rằng “Buổi trình diễn là sự tôn vinh nét nữ tính, sắc đẹp, sự táo bạo và thanh lịch, và chính những bông hoa là phép ẩn dụ cho thông điệp mà BST mang lại”.
Bản thân buổi trình diễn này cũng gợi mối liên kết sâu sắc với NTK Christian Dior quá cố nhiều hơn là với thương hiệu Dior. Tâm điểm chú ý của BST là các phiên bản làm mới của chiếc áo khoác đã từng tạo nên linh hồn cho BST “Diện Mạo Mới” năm 1947. Simons đã lược bỏ hết những chi tiết rườm ra như nơ, ruy băng, để làm nổi bật lên kiểu dáng độc đáo, đơn giản, gọn gàng của các thiết kế. Thay vì một bộ váy, thì một bộ vest với quần dài đã được lựa chọn để mở màn cho buổi trình diễn, gồm có áo khoác với đường cắt eo siêu bó mang tính biểu tượng của Dior, kết hợp hoàn hảo với chiếc quần dài kiểu thuốc lá hiện đại, gọn gàng. Còn kiểu kết hợp giữa áo khoác và váy dài từ thời “Diện Mạo Mới” đã được tái sinh thành một mẫu áo khoác dài thời thượng hơn, đem lại cảm giác tràn đầy năng lượng. Do trước đó, Dior đã mua lại một xưởng thêu nổi danh ở Paris, nên chất lượng của các chi tiết thêu cũng là điều đem lại sự thành công cho các thiết kế. Một mẫu váy trắng được thêu những sợi lông vũ trắng và hồng với cảm hứng “Hồ Thiên Nga” đã tạo nên một tiêu chuẩn mới về sự tinh tế và xa xỉ cho vở ballet không có gì mới lạ này.
Christian Dior Việt Nam | Christian Dior VietNam
Bàn tay của Raf Simons đã làm nổi bật lên khía cạnh dũng cảm đáng ngạc nhiên của “Diện Mạo Mới” ngày nào, với những quan điểm thẩm mỹ dường như đã bị hoài niệm làm cho sai lệch. Ông đã nhấn mạnh thêm những khớp nối trên phần thân trên, tạo ra vẻ hiện đại, gợi cảm cho người mặc. Không chỉ với các thiết kế quần áo, Simons cũng đồng thời tạo ra sự khác biệt cho việc tạo hình cho người mẫu, thẳng tay bỏ kiểu chuốt mi cong vút vốn được ưa chuộng suốt mấy mùa thời trang trước đó mà đổi sang kiểu mắt thoa phấn màu bạc và xanh dương, để tóc xõa thẳng tự nhiên. Chính từ những thay đổi này, Simons đã tạo được một nguồn động lực phát triển tiến dốc của Dior sau hơn một năm mất phương hướng vì không có Giám đốc sáng tạo chính thức.
BST của Raf Simons thậm chí còn được coi là “Diện Mạo Mới của Diện Mạo Mới”. Chính sự kết nối giữa phong cách của mình với các thiết kế của Christian Dior, Raf Simons có thể dễ dàng xóa sạch mọi dấu ấn của Galliano trong lịch sử của Dior chỉ bằng một nét cọ. Cả những NTK từ các thương hiệu nổi tiếng khác cũng không tiếc lời khen ngợi Simons. Donattela Versace đã thừa nhận: “Trước buổi trình diễn, tôi khó hình dung được Raf sẽ xoay sở thế nào với Dior, nhưng ngay từ thiết kế đầu tiên xuất hiện tối nay, tôi đã cảm nhận được tất cả.” Còn Alber Elbaz – NTK của Lanvin đã miêu tả “BST quả thực là nên thơ. Cực kỳ hoàn mỹ. Buổi trình diễn hôm nay chính là một hôn lễ tuyệt đẹp giữa một NTK và một thương hiệu thời trang”.
Từ đó đến nay, các thiết kế của Raf Simons vẫn được đánh giá cao và thường lấy nguồn cảm hứng từ chính cuộc sống nội tâm của phụ nữ. Mới đây nhất, trong Tuần lễ Thời trang Thu Đông 2015 tại Paris, Simons giới thiệu BST cho Dior với một nguồn cảm hứng có liên hệ mật thiết với sở thích của những người phụ nữ của gia đình – Đó chính là trang trí nội thất. Các mẫu quần áo tìm được một chất liệu mới lạ và thú vị hơn, đó là vải tuýt, với những họa tiết đốm màu hồng và xanh hải quân, thường được dùng để bọc ghế salon hay làm vỏ gối. Các đường cắt cúp vẫn tập trung vào việc thể hiện đường cong cơ thể, nét mạnh mẽ của người mặc, nhưng đồng thời cũng lại được bố trí sao cho phù hợp với từng kiểu nội thất, ví dụ như những bộ đồ chuyên mặc để ngồi uống cafe trên sofa, hay những bộ trang phục chuyên để nằm dài trễ nải trên những tấm giường nệm.
Nguồn cảm hứng sáng tạo mới này thể hiện một ngụ ý khác của Simons về hình tượng phụ nữ. “Nàng thơ” của NTK này có thể là một người phụ nữ làm việc tại khu vực Manhattan nhộn nhịp của New York – Mỹ, với sự tự tin và điềm đạm với chủ nghĩa anh hùng theo đặc trưng của phim ảnh, nhưng đồng thời cũng mang những đặc điểm đậm chất châu Âu – thông minh và cẩn trọng. Qua BST Thu Đông này, Dior đã dẫn dắt người yêu thời trang cách khám phá những kiểu phối đồ mới với áo khoác và quần dài, kết hợp với túi xách nhiều khối màu, bốt thấp cổ da bóng và gót vuông. Trong BST cũng có những kiểu áo khoác hai lớp ngực đậm chất phố Wall, hay các mảng len màu rượu vang và xanh lá được kết hợp trong các trang phục thành mảnh dài và rộng rãi.
Từ những thiết kế mới nhất này, có thể rút ra được những dự định của NTK Raf Simons dành cho mảng thời trang ứng dụng của Dior, vẫn với tinh thần của các BST may đo cao cấp. Nếu trong mảng Haute couture, Dior hướng về quá khứ và sự huy hoàng của lịch sử, thì trong mảng thời trang may sẵn, Dior và Simons hướng đến tương lai, với những chi tiết lai tạo giữa dấu ấn công nghiệp và thiên nhiên, họa tiết động vật và thực vật, mang tính thể nghiệm hơn, năng động hơn. Chưa biết liệu Raf Simons sẽ còn gắn bó với Dior đến bao giờ, và kế nhiệm ông sau đó sẽ là ai, nhưng có thể khẳng định rằng, những gì mà chúng ta đang và sẽ chiêm ngưỡng trong tương lai gần, sẽ luôn là những Diện Mạo Mới của Dior.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét